Nằm trong con ngõ nhỏ số 218 đường Lạc Long Quân, quán phở ông Hùng chuyên bò do một tay ông ngoại tôi gây dựng. Ngày nào ông cũng dậy sớm từ 4h sáng, chăm chút tỉ mỉ cho từng công đoạn, vì ông muốn hương vị của bát phở phải luôn làm hài lòng các thực khách. Rồi dần dần, khách quen cứ đến ăn sáng rồi xem đây như một nơi thân thuộc để trò chuyện cùng bà con lối xóm, tỉ tê nhau nghe những câu chuyện cuộc đời.
Với ông, một bát phở ngon quan trọng phải là nước dùng chuẩn, trong và đậm vị, vì đó là yếu tố quyết định nên hương vị đặc trưng của phở bò. Ông tôi theo đuổi nghề bán phở đến bây giờ chỉ vì một tình yêu với phở nói riêng và ẩm thực Hà thành nói chung.
Bán phở phải có một cái duyên, mà khi duyên đã đến thì muốn né tránh cũng không được. Thế là ngày nào ông cũng cần mẫn làm phở, ninh xương, nấu nước dùng và mang hết tâm tư, tình cảm của mình vào từng bát phở. Mỗi nụ cười, lời khen hay đơn giản là tiếng suýt xoa của thực khách cũng như tiếp thêm cho ông động lực và niệm vui nhỏ mỗi ngày.
Còn nhớ ngày bé, món quà ông dành cho tôi mỗi sáng đến trường là một bát phở nóng, đôi ba chiếc quẩy và một quả trứng trần. Hương vị Phở "ông" thân quen đến nỗi dù có đi đâu, ăn chỗ nào, cách chế biến ra sao, thì tôi vẫn thấy không bằng bát phở đã gắn liền với tuổi thơ tôi.
Ước muốn giản dị của ông là muốn gìn giữ tinh hoa ẩm thực này đến các thế hệ con cháu về sau, để dù ngày nay có thêm vô vàn những món ăn mới lạ, cầu kỳ thì bát phở vẫn là nét văn hoá “bất di bất dịch” của người Hà thành.
Còn với tôi, phở chính là cuốn “hộ chiếu” của ẩm thực Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè thế giới gần xa. Đến Việt Nam mà chưa thử ăn phở thì quả là đáng tiếc. Vậy nên, chắc chắn rằng, nếu có ai đó đến Hà Nội chơi mà hỏi rằng: “Ăn phở ở đâu?”, tôi sẽ không ngại đưa đến quán phở ông Hùng, và tự hào khoe rằng: "bát phở bạn đang ăn là do chính tay ông ngoại tôi nấu đó!".