Đài Bắc với những âm điệu xa lạ nhưng cũng rất đỗi thân quen.
TP. HCM, ngày 12/12/2018, kế hoạch Đài Bắc đã hoàn thành.
Chỉ cần bạn đồng hành nữa là có thể thực hiện chuyến đi mình mong chờ nhất năm 2019.
TP. HCM, ngày 30/4/2019, kế hoạch Đài Bắc đã chính thức huỷ bỏ bởi nhiều lý do.
TP.HCM, ngày 28/06/2019, may mắn lọt vào vòng 2 của Here We Go, và bất ngờ hơn, điểm đến lần này chính là Đài Bắc.
Cuộc sống luôn được mình lên kế hoạch kỹ càng nhưng vẫn chứa đựng quá nhiều điều bất ngờ thú vị.
Ngày 11/07/2019, bắt đầu chuyến du lịch đầy gấp gáp và vì vậy cũng sẽ có nhiều điều bất ngờ đang chờ đợi.
Lần đầu tiên đến Đài Bắc, điều ấn tượng đầu tiên là cảm giác thân thiện. Từ nhân viên sân bay, tiếp tân, nhân viên phục vụ,... ai cũng vui vẻ và nhiệt tình. Và dù mình mặc áo có dòng chữ “Here We Go – Thánh ăn đại chiến” và mang máy ảnh, balô, nhìn vào là biết khách du lịch nước ngoài chính hiệu, vậy mà ai cũng chào mình bằng tiếng bản địa. Không lẽ khuôn mặt mình giống người Đài vậy sao?!?
Đài Bắc cũng có cái nhịp điệu thành thị quen thuộc như Sài Gòn vậy. Những con phố đông đúc nhộn nhịp, những bước chân tấp nập, những hàng quán san sát mời gọi. Dù vậy, cái nhộn nhịp của Đài Bắc lại có nét rất riêng. Nhanh nhẹn nhưng không hối hả, tấp nập nhưng không xô bồ, quy củ nhưng không cứng nhắc. Mọi người vẫn sẵn sàng trao cho bạn một nụ cười, sẵn sàng dừng lại giúp đỡ những vị khách du lịch. Và, như cô bạn người Đài mình mới quen, sẵn sàng la cà cùng mình nửa ngày trời để cùng khám phá ẩm thực xứ Đài.
Sáng ngày đầu tiên đến Đài Bắc, trời mưa lất phất. Có lẽ nhờ những cơn mưa mà cây cối cũng trở nên xanh mát hơn. Chuyến tàu điện từ sân bay Đào Viên về trung tâm thành phố ngang qua đồi núi phủ những rừng cây xanh ngát rung rinh trong mưa.
Càng vào đến nội thành, rừng cây đồi núi dần được thay thế bằng những dãy nhà san sát. Tuy vậy, chính vì cái nét không vội vã của người dân nơi đây, mà những dãy nhà san sát kia lại không tạo cảm giác ngột ngạt. Nhà cửa ở Đài Bắc, mới có, cũ có, nhưng lại rất hài hoà. Các dãy nhà được xây rất đặc biệt, tầng trệt lùi vào trong, các tầng trên sẽ xây nhô ra, tạo thành mái che nắng mưa cho người đi bộ bên dưới. Nghe nói, ngày xưa chính quyền Đài Loan được sự hỗ trợ của Singapore để xây dựng thành phố Đài Bắc, nên đây là nét kiến trúc đặc biệt của Singapore dưới thời ông Lý Quang Diệu, được mang sang áp dụng cho Đài Loan.
Và đến Đài Bắc, tất nhiên không thể bỏ qua chợ đêm. Chợ đêm được xem là đặc sản của xứ Đài. Những khu chợ đêm nổi tiếng như Ximending, Shilin là nơi nhất định phải dừng chân khi đến Đài Bắc.
Chợ đêm ở Đài Bắc không chỉ là địa điểm ghé thăm của khách du lịch, mà còn là nơi người địa phương, nhất là giới trẻ lui đến cùng bạn bè. Chợ đêm ở đây mang lại không khí nhộn nhịp, vui vẻ, sum họp và tận hưởng.
Ngày thứ 2 trong cuộc hành trình, là thời gian để khám phá những giá trị lịch sử của Đài Loan.
Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch rộng lớn nằm ngay trung tâm. Mặc dù vẫn mang không khí uy nghi nhưng xung quanh diễn ra rất nhiều hoạt động của người dân. Các cụ già tập dưỡng sinh, thanh niên luyện tập ca hát vũ đạo, các em hướng đạo sinh nhỏ tuổi đang sinh hoạt,v.v... tạo cảm giác người dân rất gần gũi với nhà lãnh đạo tôn kính.
Chuyến đi càng tăng thêm sự thú vị khi được tiếp xúc với những người bạn từ các quốc gia khác. Chàng sinh viên Jayden đến từ Singapore đã tỏ ra vô cùng hứng thú và bất ngờ khi được mình kể về Here We Go. Cậu ấy đã đồng hành cùng mình, và một cô bạn người Đài Loan nữa, để khám phá ẩm thực trong hơn nửa ngày. Nếu không vì ngày hôm sau Jayden sẽ di chuyển xuống Đài Trung để tiếp tục chuyến du lịch hè của mình thì có khi cậu ấy đã tiếp tục đồng hành với mình trong suốt hành trình còn lại. Bởi thế mới thấy, không chỉ tiếng Anh mới có thể kết nối bạn bè bốn phương bằng ngôn ngữ, mà sự đam mê dịch chuyển, khám phá cũng khiến những con người xa lạ trở nên thân quen.
Rồi cậu ấy sẽ kể cho bạn bè về cuộc thi Here We Go đầy thú vị và thử thách mà cậu đã trải qua cùng mình. Biết đâu một ngày không xa HWG sẽ không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam mà còn cho những người Việt Nam kết nối với các bạn bè ở quốc tế và cùng nhau thực hiện chuyến đi của nhiều quốc tịch, nhiều màu da, nhiều ngôn ngữ nhưng chung niềm đam mê.
Món ăn Việt giờ đã vươn mình khắp năm châu. Ở Đài Bắc cũng vậy, không khó để tìm 1 quán ăn hương vị Việt tại đây. Nhà hàng Mu Viet với nhiều món ăn quen thuộc như bánh mì thịt, canh chua, bò cuốn lá lốt… và đặc biệt là café đá. Hương vị sẽ không hoàn toàn giống hương vị Sài Gòn quen thuộc, nhưng chắc chắn món Việt sẽ là điểm nhấn giữa thế giới ẩm thực mang màu sắc Trung Hoa của Đài Bắc.
Đảo Đài Loan có hơn ½ diện tích là rừng núi. Ngày thứ 3, cũng là ngày cuối cùng mình chọn di chuyển ra vùng ngoại ô để đến thăm 2 nơi nổi tiếng là Làng Cửu Phần và Thập Phần, những địa điểm nằm giữa những ngọn núi trập trùng xanh mướt.
Mình di chuyển từ trung tâm Đài Bắc đến Thập Phần mất hơn 1h15’ bằng xe bus. Có một điểm thú vị đáng nhớ là khi bắt xe ở trạm, mình đi vào giữa buổi chiều tầm 14h30, chuyến xe bus số 1062 khi ghé trạm đã gần đầy khách, chỉ còn 1 chỗ và bác tài xế không cho thêm nhóm khách đang đứng đợi lên xe nữa. Nếu không bắt được chuyến này thì phải đợi 45ph nữa mới có chuyến. Nhưng bất ngờ bác tài xế chỉ vào mình và gọi mình lên xe vì mình đi 1 mình nên được ưu tiên. Lòng cảm thấy thật may mắn. Có một điều đặc biệt là mỗi hành khách lên xe sẽ được phát cho 1 lá bài. Lá bài của mình là 8 cơ, một con số với mình là số đỏ và khá là may mắn. Sau khi xuống xe sẽ trả lại lá bài cho bác tài. Thật ra đến giờ mình vẫn chưa hiểu ý nghĩa của việc này, ai biết thì chỉ mình với :)))
Làng cổ Cửu Phần nằm trên triền núi. Đến đây tạo cho mình cảm giác xuyên không về một nơi nào đó tách biệt với thế giới hiện đại. Những con đường nhỏ dẫn dòng người dọc theo những căn nhà cổ. Vượt qua không gian chật hẹp là những con dốc xinh đẹp, những thềm nhà đầy hoa cỏ, những khoảng mênh mông thấp thoáng xa xa những hòn đảo ngoài khơi Đài Loan. Ngồi ngắm hoàng hôn trên con đường dọc triền núi như xưa tan đi hết mệt mỏi của một ngày dài đi chuyển. Cảm giác bình yên kì lạ.
Thập Phần thì có một đường ray xe lửa lâu đời. Đoạn đường ray này đã không còn hoạt động, nằm song song với đường ray hiện hữu. Cũng chính nơi này từng xuất hiện trong bộ phim thanh xuân “You are the Apple of my eye”. Thập Phần thu hút du khách bởi khung cảnh quá lãng mạn, và những cầu mong ước vọng của của du khách được thả lên bầu trời bằng những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, viết trên đó là những ước mơ, mong muốn của mỗi người.
Đến Cửu Phần và Thập Phần cho mình cảm giác được lắng lại, bâng khuâng. Trong những giây phút lắng lòng, chợt cảm thấy nhớ nhà. Nhớ hoàng hôn nơi bờ biển quê hương mình, nhớ Sài Gòn chợt mưa chợt nắng. Có lẽ càng đi xa, khám phá những điều mới lạ, những cảnh đẹp hùng vĩ, thưởng thức những món ăn ngon, đến cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ trở về với những con phố ở quê nhà thân thuộc, những bữa ăn đơn giản quây quần cùng gia đình. Đó mãi mãi, là điều không thể thay thế trong mỗi con người.
Đã đến lúc về nhà rồi.
Sáng ngày cuối cùng, hồ hởi vác ba lô trở về Sài Gòn thân thuộc, với một bụng những điều thú vị mang về kể cho các bạn cùng Here We Go!
Tạm biệt Đài Bắc! See you again!